Hoàng Su Phì là huyện vùng cao nằm ở phía Tây của Hà Giang. Xưa kia, vùng đất này vốn thuộc châu Bình Nguyên xứ Tuyên Quang. Ngày 1/1/1906 huyện Hoàng Su Phì được thành lập bao gồm 2 tổng Tụ Nhân và tổng Xín Mần thuộc tiểu quân khu Hà Giang (tức tỉnh Hà Giang ngày nay).
Sau khi đất nước độc lập, địa giới của Hoàng Su Phì cũng được thay đổi. Năm 1965, huyện được chia tách thành 2 huyện Xín Mần và Hoàng Xu Phì. Hiện nay Hoàng Su Phì có 24 xã và 1 thị trấn trong đó có 4 xã biên giới với tổng chiều dài đường biên hơn 40km.
Địa hình của Hoàng Su Phì nằm trên thượng nguồn Sông Chảy chủ yếu là đồi núi có độ dốc lớn và bị chia cắt bởi nhiều con suối. Đây là nơi định cư lâu đời của người dân thuộc 12 dân tộc, trong đó người Nùng, Dao, Tày, Mông, La Chí chiếm đa số.
Do nằm trên cung đường nối liền các vùng phía Đông và Tây Bắc, cảnh quan thiên nhiên kỳ vĩ cùng các nét văn hóa độc đáo được cộng đồng người dân ở đây bảo tồn và lưu giữ nên du lịch Hoàng Su Phì có rất nhiều tiềm năng để phát triển, nhất là du lịch sinh thái cộng đồng.
Là huyện vùng cao, địa hình chia cắt mạnh nên Hoàng Su Phì có nhiều tiểu vùng khí hậu, thổ nhưỡng và cảnh quan thiên nhiên khác nhau. Vì vậy khi đến du lịch Hoàng Su Phì, các bạn có thể tham khảo và lựa chọn các chuyến du lịch cho phù hợp.
Cách trung tâm Tp Hà Giang khoảng 80km, các bạn có thể đi đến Hoàng Su Phì bằng phương tiện cá nhân, phương tiện công cộng hoặc kết hợp cả 2 loại hình này. Gửi xe máy lên Tp Hà Giang rồi từ đây lấy xe đi Hoàng Su Phì.
Từ bến xe Mỹ Đình hàng ngày có rất nhiều các xe khách giường nằm đi Hà Giang, thời gian khởi hành thường khoảng 8-9h tối, đến khoảng 5h sáng các bạn sẽ có mặt tại bến xe Hà Giang.
Các bạn có thể lựa chọn thuê xe máy ở Hà Giang, sau khi xe khách đưa các bạn tới bến xe thì nhận xe rồi từ đây di chuyển ngược lại QL2 đi đến Tân Quang thì rẽ vào đường DT177 đi Hoàng Su Phì.
Có một tuyến đường khác có thể chạy xe máy tới Hoàng Su Phì là đi lên phía cửa khẩu Thanh Thủy rồi vượt Tây Côn Lĩnh để sang Hoàng Su Phì.
Hoàng Su Phì vốn nổi tiếng nhất với danh thắng ruộng bậc thang, một cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ không kém Mù Cang Chải là mấy. Khách du lịch đến với Hoàng Su Phì ai cũng đi vào mùa lùa chín với mong muốn một lần tận mắt chứng kiến thắng cảnh này.
Bản Phùng là một xã nằm gần biên giới với Trung Quốc. Từ trung tâm thị trấn Vinh Quang, các bạn phải men theo một con đèo nhỏ dài gần 30 km vắt ngang núi mới đến được trung tâm xã.
Không có những thung lũng rộng như Cao Phạ hay Mường Hoa, ruộng bậc thang ở Bản Phùng nằm cheo leo trên những sườn núi dốc đứng. Cùng với Bản Luốc, đây là nơi có những thửa ruộng bậc thang cao nhất Việt Nam.
Hồ Thầu là một xã của Hoàng Su Phì, cách ngã 3 xã Nậm Dịch khoảng 16km. Ruộng bậc thang ở Hồ Thầu của người dân tộc Dao đỏ. Người dân ở đây có có lệ, cứ mỗi khoảng ruộng chừa ra một khoảng rừng nhỏ vây quanh để giữ đất khỏi bị sạt lở. Việc khai ruộng được tiến hành từ trên cao xuống thấp với những công cụ lao động giản đơn như cuốc chim, bừa gỗ, xẻng, dao quắm. Ruộng bậc thang Hồ Thầu mênh mông, cao ngút tầm mắt với những ngọn đồi làm ruộng có độ rộng lớn, đều và ít dốc.
Nằm ở tả ngạn, nơi hội tụ dòng chảy của 3 con suối lớn: Phìn Hồ đổ xuống, Nậm Ông chảy về và Nậm Khòa dội sang cùng đổ vào một chỗ tạo thành một bình nguyên ngay trên lưng chừng núi. Nhiều người nhận xét rằng, Thông Nguyên là nơi “Quần Sơn – Tụ Thủy”. Thông Nguyên là một trong những địa điểm ngắm ruộng bậc thang tuyệt đẹp ở Hoàng Su Phì, đoạn đẹp nhất các bạn có thể dừng lại chụp ảnh là khoảng km24 đường từ Bắc Quang đi Hoàng Su Phì.
Xã Bản Luốc và Sán Sả Hồ có địa hình là núi đất và độ dốc vừa phải nên nên nhiều ruộng bậc thang. Nơi đây, đâu đâu cũng có ruộng bậc thang theo hình lượn sóng và cánh cung. Ruộng bậc thang ở đây của người Dao áo dài và người Nùng.
Cùng nằm trên km 24 đường Bắc Quang đi Hoàng Su Phì, ruộng bậc thang Nậm Ty cũng của người Dao đỏ và là một trong các địa điểm được công nhận Di tích Quốc gia ruộng bậc thang của Hoàng Su Phì.
Tam giác mạch là loài hoa đặc trưng của xứ đá tai mèo với vẻ đẹp miên man, hoang dại, hàng năm thu hút lượng lớn khách du lịch đến với Cao nguyên đá. Những năm gần đây, hoa tam giác mạch còn được trồng trên chính những thửa ruộng bậc thang tại 2 huyện phía Tây của tỉnh là Hoàng Su Phì và Xín Mần. Lên Hoàng Su Phì vào thời điểm cuối thu, sau khi những thửa ruộng bậc thang được thu hoạch xong thì cũng là lúc màu vàng của lúa được thay thế bằng sắc màu say đắm của những bông hoa tam giác mạch.
Tây Côn Lĩnh là một đỉnh núi trên khối núi thượng nguồn sông Chảy ở phía tây tỉnh Hà Giang, dãy núi Tây Côn Lĩnh trải dải trên hai huyện Hoàng Su Phì và Vị Xuyên, cách thị xã Hà Giang 46 km. Với độ cao 2419 m, đây là đỉnh cao nhất vùng Đông Bắc Việt Nam và là một trong những đỉnh núi cao nhất Việt Nam. Trên đỉnh núi có mốc trắc địa. Dưới chân núi là rừng nguyên sinh á nhiệt đới còn được bảo tồn. Tây Côn Lĩnh được coi là dãy núi thiêng của người dân tộc La Chí.
Trong cộng đồng yêu phượt, việc chinh phục Tây Côn Lĩnh thường được hiểu là cung đường từ Thanh Thủy đi xuyên qua dãy núi này để sang Hoàng Su Phì, chinh phục một điểm cao ở trên đỉnh núi (Bốt Đen). Đây là một chặng đường vô cùng vất vả, gian nan và nguy hiểm.
Chiêu Lầu Thi được gọi theo tiếng địa phương tức là Chín tầng thang, nằm cách trung tâm huyện lỵ Hoàng Su Phì 42km. Đây là một trong những núi cao thuộc dãy Tây Côn Lĩnh nằm trên địa bàn xã Hồ Thầu huyện Hoàng Su Phì và có vị trí giáp ranh 2 xã Ngán Chiên, Thu Tà của huyện Xín Mần, điểm cao nhất của ngọn núi có cao độ 2.402 m so với mực nước biển. Đây là một trong những đỉnh núi cao nhất nhì vùng đông bắc nước ta. Khu vực cao nhất của đỉnh núi được kiến tạo bằng những khối đá khổng lồ nối tiếp nhau nên rất thuận tiện cho việc quan sát bởi tầm nhìn có thể tới hàng chục km vào những ngày trời quang mây tạnh. Trong những ngày mưa, sương mù thường phủ kín những ngọn núi tạo nên vẻ đẹp của chốn bồng lai tiên cảnh.
Nằm dưới chân đỉnh Tây Côn Lĩnh hùng vĩ, chợ phiên Hoàng Su Phì họp vào ngày Chủ nhật hàng tuần. Hàng hóa trao đổi là những vật phẩm trong sinh hoạt hàng ngày như rau quả, vải vóc, chỉ thêu, vật dụng làm nương rẫy…
Hiện nay, trên các sườn núi thuộc địa bàn xã Bản Phùng, Bản Máy huyện Hoàng Su Phì và xã Bản Díu huyện Xín Mần hiện vẫn tồn tại hàng trăm ngôi mộ cổ nằm rải rác theo một đường vòng cung trong một khu vực hàng ngàn km2 theo sườn núi với kích cỡ mỗi ngôi cao khoảng 1,5 mét, rộng từ 15 – 25 mét vuông, cá biệt có ngôi có chu vi hơn 70m, cao trên 6m, trải qua hàng trăm năm, những ngôi mộ này vẫn không hề bị mưa nắng mài mòn. Tương truyền, đây là những ngôi mộ giả của Hoàng Vần Thùng (Tức Hoàng Văn Đồng) là một Thổ tù người địa phương trong thời Nguyễn. Ngoài việc trấn ải khu vực biên thùy, Hoàng Vần Thùng còn cho gia binh khai thác tài nguyên khoáng sản. Đồng thời Ông còn giúp người dân ở khu vực này khai ấp lập làng dạy họ cách trồng ngô, lúa và giúp dân diệt trừ kẻ ác. Sau khi mất, ông được dân làng và con cháu chôn cất theo nhiều của cải tùy táng và đắp lên những ngôi mộ giả này nhằm tránh bị người đời sau đào trộm lấy châu báu, đồng thời lập miếu thờ tại đỉnh núi thôn Lủng Cẩu xã Bản Phùng của huyện Hoàng Su Phì.
Đồn Pố Lũng thị trấn Vinh Quang hay còn gọi là Bốt Pháp – theo cách gọi của người dân địa phương được người Pháp xây dựng từ những năm cuối thế kỷ XIX. Đây là quần thể kiến trúc quân sự gồm hầm hào, lô cốt, sân bay liên hoàn trên một ngọn đồi phía đông thị trấn Vinh Quang của huyện Hoàng Su Phì. Để xây dựng quần thể kiến trúc quân sự này, thực dân Pháp đã bắt người dân địa phương dùng sức người vận chuyển vật liệu đá, cát sỏi, nước từ Sông Chảy ngược đoạn đường đèo dốc hơn 3km lên đỉnh núi và đào hàng chục km giao thông hào, địa đạo, san lấp mặt bằng, làm nhà cửa. Trong quá trình xây dựng hàng trăm người đã bỏ mạng tại nơi này. Hiện nay, hệ thống lô cốt, hầm hào vẫn giữ gần như nguyên vẹn như một chứng tích chiến tranh và tội ác của thực dân Pháp. Ngoài ra, xung quanh khu vực đồn Pố Lũng đã được tán rừng thông đã phủ kín, tạo cảnh quan thiên nhiên rất hấp dẫn du khách khi đến tham quan.
Theo bút tích được ghi trên nó ngôi đền cho thấy ngôi đền được xây dựng từ năm thứ 3 đời Minh Mạng (1793). Đền tọa lạc trên sườn một quả núi thuộc thôn Suối Thầu xã Bản Luốc, xung quanh có những thửa ruộng bậc thang bạt ngàn uốn lượn. Người dân nơi đây coi đó là một chốn thiêng liêng là nơi thờ tự các vị thần vốn tồn tại trong dân gian như: Ngọc Hoàng, thần nông, thần rừng, thần đất, Thiên lôi, Bà mụ… với nhiều câu chuyện huyền bí được truyền lại qua nhiều đời. Ngôi đền cũng là nơi thờ tự thành hoàng Đặng Diễn. Ông là người có công khai rừng lập bản từ xa xưa và là quan sắc cai quản vùng đất này. Vào ngày 1/7 âm lịch hàng năm, người dân ở đây tổ chức cúng lễ với mong muốn về một năm mùa màng tốt tươi, mưa nắng thuận hòa, người dân mạnh khỏe.
Đền Vinh Quang nằm tại trung tâm thị trấn Vinh Quang huyện Hoàng Su Phì, được xây dựng vào khoảng cuối thế kỷ XIX. Bên cạnh việc thờ một số vị thần thánh khác theo tín ngưỡng tâm linh của người dân địa phương thì đền Vinh Quang còn thờ Hoàng Văn Đăng là Chánh tổng của Hoàng Su Phì. Theo sử sách ghi lại vào năm 1908, ông đã đứng lên khởi nghĩa chống Pháp, sau đó bị Pháp bắt. Trong tù, ông bị giặc Pháp tra tấn dã man đến chết. Để tưởng nhớ công ơn và khâm phục nghĩa khí của Hoàng Văn Đăng người dân thị trấn Vinh Quang đã lập bài vị thờ ông tại đền, coi ông là vị thần tối linh che chở cho nhân dân trong vùng.